Kurrock: Một Tác Phẩm Nguyên Bản Mới Đầy Sức Hút
Not Doing
6/25/20247 min read
Trong tương lai xa, KURROCK không chọn đóng khung hoạt động của nhóm ở riêng Nhật hay riêng Việt Nam, mà muốn sẽ chinh phục và được sự đón nhận ở các quốc gia Âu-Mỹ… Cùng nghe chia sẻ của ban nhạc Việt/Nhật với Vanity Vietnam
Có hay không một “công thức” cho âm nhạc – và hình ảnh – của KURROCK?
Có lẽ và ở lúc bắt đầu là sự giao thoa về thẩm mỹ âm nhạc, giữa sự siêu đa văn hóa Nhật và nổi trội thể hiện cá tính Việt.
KURROCK không tìm kiếm cho mình cụ thể hay chi tiết một công thức, vì theo chúng tôi âm nhạc là cảm xúc, và đã là cảm xúc thì không nên kiểm soát chặt chẽ, nếu không muốn nói là không thể nào kiểm soát. Âm nhạc là ưu tiên hàng đầu của KURROCK, bất luận ảnh hưởng nó nhuốm đậm là từ Nhật hay Việt. Chính bản thân từng thành viên, tính cách, tư duy lẫn các ảnh hưởng đều có sự giao thoa Nhật Việt trong đó. Hãy để cảm hứng đến một cách tự nhiên, để ghi lại chúng và nghiêm túc tới cùng với mỗi tác phẩm.
Quyết định lớn nhất phía sau sự chuyển hướng từ một nhóm chơi cover tại Nhật trở thành một nhóm tự sáng tác và biểu diễn là gì? Phải chăng đó là nhu cầu khẳng định bản thân ở xứ người?
Có hai thành tố quan trọng khác đưa đẩy tới quyết định này của nhóm. Đầu tiên là mục đích chuyển tải. Chúng tôi quan niệm một tác phẩm nguyên bản (original) mới tạo đủ “đất” cho một nghệ sĩ truyền đạt trọn vẹn cảm xúc lẫn thông điệp tới người nghe. Khi nhận thấy những câu chuyện kể – người thật việc thật – về những trải nghiệm, nỗ lực và cảm xúc của cộng đồng người Việt và riêng từng thành viên, nhóm cảm thấy có một sự riêng, không giống với các ban nhạc người Nhật, cũng không giống các ban nhạc hoạt động trong nước (Việt Nam). Do đó, mong muốn khám phá và khai thác góc nhìn này là một xúc tác quan trọng đằng sau quyết định “go original”
Thứ hai, đó là khả năng thực hiện. Qua những lần cùng nhau biểu diễn cover các tác phẩm của nghệ sĩ Nhật, nhóm nhận ra tiềm năng dành cho sự thấu hiểu về văn hóa, thông qua kết hợp từ khả năng sử dụng ngôn ngữ (các thành viên sinh sống và làm việc lâu năm ở Nhật), khả năng trình diễn nhạc cụ, cho tới khả năng phối và sản xuất audio – video rõ rệt. Sau khi cân nhắc, các thành viên trong nhóm đã quyết định đưa KURROCK vào quỹ đạo sáng tác original.
Quá trình sáng tạo nghệ thuật nhìn chung cần xuất phát từ mong muốn truyền đạt một thông điệp, thông qua các dạng thức khác nhau. Với chúng tôi, những điều muốn nói là rất nhiều, và chúng tôi quyết định nói lên bằng âm nhạc.
Ngoài ra, được ghi nhận như một nghệ sĩ thực hiện vai trò cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác – ở đây thông qua âm nhạc – là điều không ít nghệ sĩ mong muốn đạt được, trong đó có KURROCK. Nhưng The Hu (Mông Cổ) có thành lập và biểu diễn cốt để được UNESCO công nhận? Trước tiên, họ cần chinh phục khán giả.
Khán giả đầu tiên của một ban nhạc, nghệ sĩ là chính họ, không ai khác.
Nhóm có thể chia sẻ sâu hơn đôi chút về đời sống âm nhạc của KURROCK tại Nhật, trước và sau khi chọn sáng tác và biểu diễn tác phẩm original? Điều khích lệ nhất nhóm từng nhận được tại Nhật là gì?
Trước hết, đó là cam kết “dữ dội” hơn từ các thành viên, để duy trì một lịch sinh hoạt âm nhạc đều đặn. Đó là việc các thành viên chuyển về sống trong cùng một tòa nhà, ở vùng ven Tokyo. Lý do là sự tuy dễ mà khó trong việc di chuyển tại Nhật, rất mất thời gian và ảnh hưởng không hề nhỏ tới công tác sản xuất – vốn đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, ý tưởng, các trao đổi qua lại thường xuyên. Chưa hết, các thành viên đều có các công việc toàn thời gian hoặc lịch học tại trường nhạc, do đó nhóm nhất trí ưu tiên tuyệt đối cuối tuần cho hoạt động âm nhạc (bên cạnh thời gian tự rèn luyện), để chắc chắn luôn có thời gian ở studio cùng nhau, hoặc để biểu diễn, hoặc thu âm – ghi hình các sản phẩm.
Từ khi quyết định thực hiện sản phẩm original, nhóm nhanh chóng nhận được các đề nghị giúp đỡ, cũng như nhiều thuận lợi hơn khi kêu gọi hỗ trợ từ các chuyên gia – nghệ sĩ trong ngành. Chẳng hạn, khi ngỏ lời ý tưởng MV Vượt, các đạo diễn cameraman, chuyên viên tại Nhật đã ngỏ lời đề nghị giúp sản xuất MV, và ekip hậu kỳ tại Việt Nam cũng đồng ý hỗ trợ. KURROCK còn nhận được đề nghị giúp sửa lời Nhật từ các tiểu thuyết gia, hay các producer góp ý về cách phát âm khi hát để tác phẩm dễ được người Nhật tiếp nhận hơn.
Ngoài ra, phải kể tới tính khắt khe về bản quyền ở Nhật, trong ghi âm lẫn biểu diễn, nên sáng tác và biểu diễn original cũng đem lại ưu thế tuyển chọn khi nhóm tham gia biểu diễn tại các địa điểm biểu diễn nổi tiếng tại Nhật – hệ thống livehouse “huyền thoại” – các chương trình bán vé, và thu hút giao lưu nhiều hơn từ khán giả. Nhóm nhận phản hồi về việc là ban nhạc đầu tiên của người Việt có sản phẩm original được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu, bài bản từ bạn bè và các “senpai” người Việt tại Nhật, một điều thật sự bất ngờ vì đặc điểm nhân khẩu của cộng đồng người Việt tại Nhật.
Trong nội bộ KURROCK, việc sáng tác original tiếng Nhật cũng là lý do quan trọng để anh Daisuke (chơi trống) quyết định gắn bó lâu dài với ban nhạc, dù anh có rất nhiều lựa chọn khác. Theo anh, âm nhạc không biên giới, không ràng bó bởi quốc tịch, mà cần có sự đồng điệu, tin tưởng để đi cùng với nhau – bên cạnh ý thức rèn luyện, trau dồi không ngừng.
Những ví dụ nhỏ trên có lẽ đó là động lực và cũng là một trong những niềm vui nho nhỏ bước đầu mà nhóm đã chọn.
Điều khích lệ nhất là một lần, một nữ phóng viên – nhà báo Nhật lặng lẽ đi xem KURROCK biểu diễn tại một festival và sau đó tìm tất cả tư liệu có được về nhóm để làm thành một bài viết cực kỳ nghiêm chỉnh, trọn vẹn, được cộng hưởng trên nhiều báo Nhật. Từ đó, nhóm được nhiều bên báo đài tìm tới, như bài phỏng vấn với bộ phận tiếng Việt đài NHK, Kilala, SNS, trên MXH.
Chính KURROCK cũng không hề biết cho đến khi có những bạn Nhật nhắn tin chúc mừng và chia sẻ link về bài báo trên. Trong chuyến lưu diễn Việt Nam lần này, một trong số những bác phóng viên đưa tin về nhóm – bác Nojima – tình nguyện đi theo để ghi chép, thu thập toàn bộ hoạt động của chuyến đi.